Theo Tạp chí Thần kinh học Quốc tế (International Review of Neurobiology), táo bón là vấn đề tiêu hóa phổ biến ở 50 - 60% người bệnh Parkinson. Đây là triệu chứng không nguy hiểm nhưng lại ảnh hưởng không nhỏ đến tinh thần và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.

Táo bón là vấn đề tiêu hóa phổ biến nhất ở người bệnh Parkinson

Táo bón là vấn đề tiêu hóa phổ biến nhất ở người bệnh Parkinson

Bệnh Parkinson xảy ra do sự thoái hóa mạn tính và mất dần các tế bào sản sinh dopamin trong não. Đây là một chất dẫn truyền thần kinh điều khiển các hoạt động của cơ thể nên khi thiếu hụt sẽ dẫn đến các triệu chứng run tay chân, co cứng cơ và chậm chạp vận động.

Ngoài ra, người bệnh Parkinson còn gặp phải tình trạng rối loạn giấc ngủ, ảo giác, rối loạn tiêu hóa, tiết niệu gọi chung là các triệu chứng không thuộc vận động, trong đó hay gặp nhất là táo bón.

Người bệnh Parkinson bị táo bón - Nguyên nhân do đâu?

Do sự tác động của bệnh lên hệ thần kinh thực vật và do tác dụng phụ của các thuốc điều trị làm cho ruột và bàng quang hoạt động kém hiệu quả, khiến quá trình tiêu hóa thức ăn trở nên chậm chạp hơn, các chất thải lưu lại quá lâu trong đường ruột gây táo bón. Điểm khác biệt giữa táo bón do bệnh Parkinson với các nguyên nhân khác là người bệnh thường cảm giác thấy no mặc dù chỉ ăn rất ít.

Mặt khác, bệnh Parkinson chủ yếu xảy ra ở người trên 60 tuổi, cùng với sự lão hóa, thoái hóa của cơ thể thì hoạt động của hệ tiêu hóa cũng giảm dần: nhu động ruột giảm, chức năng co bóp, tiết dịch giảm. Hơn nữa, người già thường có lối sống tĩnh tại, ít vận động, ăn không đủ chất xơ, uống không đủ nước khiến tình trạng táo bón càng trở nên trầm trọng hơn.

Làm thế nào để cải thiện táo bón do bệnh Parkinson?

Không quá khó để cải thiện tình trạng táo bón nếu bạn thực hiện tốt những lời khuyên sau:

Ăn nhiều chất xơ

Giải pháp tốt nhất để trị chứng táo bón là tăng cường bổ sung chất xơ cho cơ thể. Chất này sẽ giữ nước, làm mềm và xốp phân, giúp phân di chuyển dễ dàng trong đường ruột và bài xuất ra ngoài. Bạn có thể bổ sung bằng cách ăn nhiều rau xanh, hoa quả, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu, khoai lang, vừng đen. Đồng thời hạn chế đồ ăn cay, nóng và các thực phẩm chứa nhiều tanin như: sim, ổi …

Nếu khó nhai, khó nuốt thức ăn, bạn có thể lựa chọn các loại quả mềm hoặc cắt nhỏ hay nghiền mịn nhưng không nên ép lấy nước. Bởi chính lượng bã sau khi ép mới là nguồn chất xơ quan trọng mà bạn cần.

Rau, củ, quả tươi, ngũ cốc nguyên hạt là nguồn chất xơ phong phú

Rau, củ, quả tươi, ngũ cốc nguyên hạt là nguồn chất xơ phong phú

Uống đủ nước

Uống đủ từ 1,5 đến 2 lít nước mỗi ngày bao gồm nước lọc, nước canh, nước trà (trà sen, trà hoa cúc, nhân trần...) nhưng nên hạn chế cà phê, rượu bia, nước ngọt.

Một mẹo nhỏ là bạn hãy uống một cốc nước ấm (khoảng 500ml) vào mỗi buổi sáng sau khi thức dậy để đánh thức hệ tiêu hóa, kích nhu động ruột, nhờ đó giúp cải thiện tình trạng táo bón hiệu quả hơn.

Tập thể dục mỗi ngày

Hãy dành tối thiểu 30 phút mỗi ngày để đi bộ, chạy bộ, bơi lội, tập dưỡng sinh, hay bất cứ môn thể thao nào bạn yêu thích. Bởi việc tập luyện thường xuyên không chỉ giúp các cơ bắp linh hoạt hơn, giảm run tay, giảm độ cứng ở cơ khớp mà còn kích thích nhu động ruột, từ đó giảm táo bón.

Chú ý sinh hoạt

Bạn nên đi vệ sinh ngay khi cảm thấy muốn, bởi việc nhịn vệ sinh có thể khiến tình trạng táo bón trở nên nghiêm trọng hơn, thậm chí dẫn đến nhiều rối loạn chức năng khác của hệ tiêu hóa.

Bạn có thể thay đổi tư thế khi đi đại tiện hoặc kê chân lên một chiếc ghế nhỏ để giúp hoạt động tống phân của ruột diễn ra dễ dàng hơn.

Không nên lạm dụng thuốc nhuận tràng

Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ nếu bạn muốn sử dụng thuốc nhuận tràng, bởi nếu lạm dụng thuốc quá nhiều, cơ thể sẽ hình thành thói quen đi vệ sinh sau khi uống thuốc. Lâu ngày khiến nhu động ruột yếu dần, hệ tiêu hóa trở nên “lười” hoạt động và bạn sẽ bị lệ thuộc thuốc.

Người bệnh Parkinson cần đi khám bác sĩ ngay nếu:

- Bạn bị đau nặng khi đi vệ sinh.

- Có máu trong phân.

- Tình trạng táo bón kéo dài và không có dấu hiệu thuyên giảm mặc dù bạn đã thay đổi chế độ ăn uống và tích cực luyện tập.

Với những thông tin ở trên, hy vọng bạn có thể tự xây dựng kế hoạch luyện tập, sinh hoạt và ăn uống cho riêng mình để vừa cải thiện tình trạng táo bón vừa chung sống khỏe mạnh với bệnh parkinson.

Nguồn:

Parkinson News Today

Vuong-Lao-Kien-ho-tro-giam-run-tay-chan-do-moi-nguyen-nhan.webp