Ảo giác và hoang tưởng là những triệu chứng rối loạn tâm thần kinh khá phổ biến ở người bệnh Parkinson giai đoạn cuối. Hiện tượng này xảy ra có thể là hệ quả của việc sử dụng thuốc Parkinson kéo dài hoặc do thay đổi thuốc trong quá trình điều trị.
Nhiều người bệnh Parkinson nói về hiện tượng họ trông thấy người âm, nghe thấy tiếng động lạ hoặc thấy người cầm dao đuổi đánh mình, hoặc ngửi thấy mình hôi thối hoặc mùi dưa cà xung quanh nhà… Với những ai không biết, có thể nói họ bị “thần kinh” hoặc nói luyên thuyên. Kỳ thực ra, các dấu hiệu này có thể gặp phải ở 1/3 người bệnh, có thể làm nặng thêm tình trạng trầm cảm và gây ảnh hưởng tới khả năng hoạt động, giữ thăng bằng của người bệnh.
Lo sợ có người đang làm hại mình sẽ khiến bệnh Parkinson ngày càng nghiêm trọng hơn
Ảo giác là gì?
Ảo giác là khi bạn nhìn, cảm thấy, nghe, ngửi hoặc nếm thứ gì đó thực chất không có ở đó, nó chỉ tồn tại trong tâm trí của bạn.
Trong trường hợp nhận thấy triệu chứng, hành vi bất thường, hãy báo lại cho người thân hoặc bác sĩ để được tư vấn.
Nói chung, hiện tượng ảo giác là những cảm giác trực quan và nhận thức của người bệnh. Ví dụ, người bệnh có thể thấy có gì đó vướng ngay trước mắt, hoặc nhầm lẫn các vật thể với nhau, như nhìn chiếc mũ lại nhầm lẫn đó là người. Với người bệnh Parkinson, hầu hết các hình ảnh ảo giác đều vô hại, họ thường thấy những người quen cũ, thân thiện như trẻ em, người già hoặc động vật.
Một số trường hợp, ảo giác có thể đe dọa tới tinh thần của người bệnh, khiến họ dễ bị trầm cảm, trở nên sợ hãi, nghi ngờ người trong gia đình có ý định không tốt với mình, thậm chí là hoang tưởng.
Ảo tưởng là gì và chúng ảnh hưởng tới người bệnh Parkinson như thế nào?
Ảo tưởng là những suy nghĩ, niềm tin, lo lắng bất thường không thực tế.
Khi bị ảo tưởng ở mức độ nhẹ, người bệnh Parkinson có thể biết chuyện gì đang xảy ra và họ có thể tự yêu cầu để được giúp đỡ, giúp họ vượt qua những niềm tin sai lầm đó. Tuy nhiên, khi tình trạng trở nên nghiêm trọng đi, họ dễ nghi kỵ, mất lòng tin, ngay cả với người thân quen trong gia đình hoặc bác sĩ của mình. Điều này vừa làm ảnh hưởng xấu tới mối quan hệ, tác động trực tiếp tới tâm lý của người bệnh. Trong nhiều trường hợp, sự lo lắng thái quá khiến họ bỏ việc dùng thuốc vì nghi ngờ bản thân đang bị đầu độc.
Hiện tượng ảo giác và ảo tưởng thường không xuất hiện cùng nhau. Thế nhưng với một người bệnh Parkinson gặp phải cả 2 rối loạn tâm thần này sẽ thấy tất cả mọi thứ trên đời này đều không có thật, họ thường xuyên bất an, bối rối và cáu kỉnh. Điều này sẽ làm suy giảm trầm trọng chất lượng cuộc sống của họ.
Nguyên nhân gây ảo giác, ảo tưởng
Thuốc điều trị Parkinson là nguyên nhân chính gây hiện tượng ảo giác, hoang tưởng
Tần suất ảo giác thường tăng dần khi bệnh Parkinson tiến triển. Đôi khi hiện tượng này xuất hiện là do người bệnh bỗng nhiên bị căng thẳng đột ngột, nhưng nguyên nhân thường gặp là do nhiễm trùng hoặc do thuốc điều trị.
Trên thực tế, không phải ai dùng thuốc cũng sẽ gặp phải ảo giác. Điều này phụ thuộc vào loại thuốc, liều lượng và tình trạng sức khỏe của người sử dụng. Thế nhưng, liều dùng càng cao thì nguy cơ bị ảo giác sẽ càng lớn.
Có thể bạn quan tâm:
- Xử lý khó nuốt khi bị Parkinson
- Xua tan nỗi lo táo bón cho người Parkinson
- Cách giúp người bệnh Parkinson ngủ ngon giấc
Hướng dẫn cách phòng ngừa và khắc phục
Ngay sau khi nhận thấy các triệu chứng bất thường, người bệnh Parkinson cần trao đổi với bác sĩ điều trị. Một cuộc hội chẩn của bác sĩ điều trị chính, bác sĩ nội khoa và bác sĩ tâm thần sẽ giúp bạn chọn ra phương pháp phù hợp. Đó có thể là sử dụng các loại thuốc chống loạn thần để cải thiện các triệu chứng hoặc chưa cần dùng thuốc. Các trường hợp không cần dùng thuốc là khi triệu chứng ảo giác chỉ xuất hiện thoáng qua, không ảnh hưởng tới sinh hoạt của người bệnh.
Mặc dù một số loại thuốc điều trị Parkinson có thể gây ra hiện tượng ảo giác, nhưng các bác sĩ cảnh báo, không phải vì thế mà người bệnh được tự ý ngưng hoặc giảm liều thuốc. Mọi vấn đề liên quan đến thuốc đều cần được sự đồng ý của bác sĩ điều trị.
Đừng bao giờ để cho người bệnh Parkinson cảm thấy họ chỉ có một mình
Bên cạnh các loại thuốc điều trị, để nâng cao hiệu quả làm giảm ảo giác, hoang tưởng, người nhà bệnh nhân và chính bản thân họ nên chú ý những điều sau:
- Thẳng thắn chia sẻ: Giấu bệnh là điều rất nguy hiểm, bạn nên chia sẻ điều mà bạn gặp phải với người thân của mình. Đồng thời nếu có người thân bị Parkinson, hãy dành cho họ sự ân cần, chu đáo, tránh ánh mắt kỳ thị, chán chường hay lo lắng khi nhìn họ,, vì điều đó chỉ khiến cho mọi việc tồi tệ hơn. Thẳng thắn còn thể hiện ở việc bạn khéo léo chia sẻ với họ về những hình ảnh, âm thanh đó là không có thật. Chẳng hạn như nếu họ nói họ nhìn thấy người nào đó, hãy bảo họ chỉ vị trí người đó đang đứng, sau đó bạn đến vị trí đó và đứng tại đây. Lúc nãy, người bệnh Parkinson sẽ biết họ đang nhầm lẫn.
- Hướng dẫn người bệnh cách chạm vào ảo giác: Ảo giác có thể khiến người bệnh sợ hãi, lo lắng. Hãy trấn tĩnh họ bằng cách giúp họ nhận ra tất cả điều đó là không có thật. Chẳng hạn như nếu thấy hình bóng ai đó, hãy bảo họ chạm vào điểm đó, mọi thứ sẽ tan biến.
- Giữ bình tĩnh và không tranh luận: Người chăm sóc cần hiểu rằng, người bệnh Parkinson không hề nói dối, những hình ảnh, âm thanh mà họ nghe thấy ở góc độ của họ - hoàn toàn là thật. Vì vậy đừng cố tranh luận, đừng gay gắt, hãy giúp họ hiểu ra vấn đề đó là bệnh tật đang đánh lừa họ mà thôi.
- Thay đổi không gian sống: Không gian sống có ảnh hưởng rất nhiều tới việc điều trị. Nếu gia đình bạn neo người, lại ở trong một ngôi nhà rộng lớn, việc tiếp xúc nhau không thường xuyên sẽ khiến người bệnh bị cô độc. Vì vậy hãy cố gắng dành thời gian cho các hoạt động chung, cả nhà đình quây quần bên nhau để tạo không khí vui vẻ. Chú ý đến ánh sáng trong phòng, nếu phòng quá tối, không có nhiều ô cửa thoáng thì khả năng gặp ảo giác cũng sẽ nhiều hơn.
Mong rằng với những thông tin mà bài viết này chia sẻ, người bệnh và người nhà của họ sẽ có thêm những kinh nghiệm giúp điều trị bệnh Parkinson, sớm cải thiện triệu chứng ảo giác và hoang tưởng.
Nguồn:
https://parkinsonsdisease.net/clinical/hallucinations-delusions/
https://www.parkinsonsvic.org.au/parkinsons-and-you/hallucinations-and-delusions/
https://www.movementdisorders.org/MDS/Scientific-Issues-Committee-Blog-Multisensory-Hallucinations-and-Delusions-in-Parkinsons-Disease.htm