Run tay chân có thể xảy ra ở mọi độ tuổi từ trẻ em, thanh niên cho tới người già. Tay chân run khi cầm nắm đồ vật, khi hồi hộp, căng thẳng trước đám đông, thậm chí là khi ngồi nghỉ khiến mọi công việc và sinh hoạt hàng ngày trở nên bất tiện. Hơn thế nữa là sự mặc cảm, tự ti và lo lắng không biết mình mắc phải chứng bệnh gì, liệu có nguy hiểm không?
Để giải đáp tất cả những băn khoăn này, chúng tôi đã phỏng vấn GS. TS Nguyễn Văn Thông - Phó chủ tịch Hội Thần kinh Việt Nam, Nguyên chủ nhiệm bộ môn thần kinh Viện nghiên cứu Y Dược lâm sàng 108. Là một chuyên gia giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực thần kinh, bác sĩ sẽ giải đáp cho quý vị tất cả các nguyên nhân dẫn đến hiện tượng run chân tay.
Giáo sư Thông trong buổi phỏng vấn cùng MC Kim Chi
Xin giáo sư cho biết, run chân tay là dấu hiệu cảnh báo của những bệnh nào?
Khi thấy biểu hiện run tay chân người ta thường nghĩ ngay đến bệnh Parkinson, bởi trong bệnh lý này tình trạng run rất phổ biến và tồn tại trong cả cuộc đời người bệnh. Tuy nhiên, run là biểu hiện của rất nhiều chứng bệnh, trong đó có thể là các bệnh gây tổn thương cấu trúc hay chức năng não bộ nhưng cũng có thể là các bệnh lý khác ngoài não gây ra.
Các nguyên nhân gây tổn thương thực thể não bao gồm: đột quỵ, viêm não, tổn thương chất trắng não... tổn thương về mặt cấu trúc não như tổn thương đồi thị, tiểu não.
Thứ 2 là run do rối loạn chức năng của não, ví dụ: bị ngộ độc, nghiện cocain, nghiện rượu làm cho chức năng của não bị thay đổi. Hoặc trong một số trạng thái suy nhược thần kinh, bệnh tâm căn suy nhược, trầm cảm, stress..vv làm ức chế hoạt động của não bộ đều có thể dẫn đến biểu hiện run tay chân.
Một số nhóm bệnh ngoài não như bệnh cường giáp với biểu hiện run tay, mạch nhanh, mắt lồi.. các bệnh mạn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp. Hay do quá trình làm việc căng thẳng, ăn uống không đủ chất dinh dưỡng. Thậm chí, rất nhiều trường hợp không tìm ra nguyên nhân, ví dụ run vô căn.
Thưa giáo sư ở người trẻ và người già nguyên nhân gây run có giống nhau không?
Run tay chân ở người trẻ chủ yếu bắt nguồn từ lối sống nhiều áp lực, căng thẳng, ăn uống, nghỉ ngơi không hợp lý
Tình trạng này có thể xảy ra ở cả người trẻ lẫn người già, nhưng nếu xét về nguyên nhân gây bệnh thì chắc chắn có những điểm khác biệt:
- Ở người trẻ: một số ít bị run do di truyền từ gia đình nhưng phần lớn nguyên nhân gây run là do áp lực từ cuộc sống, làm việc gắng sức, sử dụng điện thoại thông minh quá nhiều, ăn uống không đảm bảo chất dinh dưỡng, ngủ không đủ giấc khiến cơ thể phải làm việc liên tục, dẫn đến suy nhược. Bên cạnh đó, việc sử dụng nhiều thuốc lá, bia rượu, cà phê cũng là những yếu tố nguy cơ dẫn đến tình trạng run tay chân ở người trẻ
- Với người già: có một số bệnh gây run như bệnh Parkinson (thường xuất hiện từ độ tuổi ngoài 50), một số bệnh mạn tính như đái tháo đường, đột quỵ, tăng huyết áp, xơ vữa động mạch. Run tay chân ở người già còn có thể do thiếu chất dinh dưỡng vì khả năng hấp thu kém; do quá trình thoái hóa, lão hóa não bộ. Vì vậy, triệu chứng run tay chân ở người già có thể đi kèm với các triệu chứng khác như rối loạn ngôn ngữ, rối loạn vận động, suy giảm trí nhớ...
Thưa giáo sư, run vô căn là bệnh gì, có nguy hiểm không và đâu là nguyên nhân dẫn đến căn bệnh này?
Run vô căn tức là chưa tìm được căn nguyên gây run, tuy nhiên gần đây người ta đã xác định một số yếu tố dẫn đến căn bệnh này:
Thứ nhất là do lối sống, cách sinh hoạt, tác động từ môi trường, lạm dụng các chất kích thích, chế độ tập luyện, thư giãn, chế độ ăn uống không hợp lý khiến cơ thể suy nhược. Thứ hai là run vô căn do di truyền từ gia đình (mang gen).
Run vô căn có thể được xác định qua việc thăm khám lâm sàng
Run vô căn thường xuất hiện ở người trẻ, trung niên và nặng dần hơn khi về già. Run chủ yếu ở bàn tay, ngón tay, run đều hai bên khi cầm nắm đồ vật hoặc khi tập trung chú ý thực hiện một công việc tỉ mỉ. Điều này khiến người bệnh mất tự tin, lo lắng, căng thẳng khi đứng trước đám đông. Từ đó làm cho triệu chứng run càng biểu hiện rõ ràng hơn. Nhiều trường hợp run cả lưỡi, run môi, nói ngọng không ra tiếng hoặc run tư thế ở đầu theo kiểu gật gật hoặc lắc lắc.
Khi người bệnh đặt song song hai tay trước mặt, duỗi căng các ngón tay, sau đó để một tờ giấy lên trên thì sẽ quan sát rõ biểu hiện run.... Nhưng phải run từ 3 năm trở lên mới được xác định là run vô căn - đây cũng là một tiêu chuẩn chẩn đoán căn bệnh này.
Sau tai biến mạch máu não, chấn thương đầu ngoài những di chứng thường gặp là yếu, liệt nửa người thì rất nhiều người còn gặp phải tình trạng run tay chân. Xin giáo sư cho biết, run tay chân trong những trường hợp này là do đâu?
Sau đột quỵ (tai biến) có thể đột quỵ nhồi máu não, đột quỵ xuất huyết não, sau chấn thương não, ngoài những triệu chứng liệt, rối loạn ngôn ngữ, giảm vận động, rối loạn tâm thần, trí nhớ… còn có biểu hiện run. Bởi đột quỵ gây tổn thương các tế bào thần kinh vùng vận động trong não, tổn thương đồi thị, tiểu não... sẽ dẫn đến triệu chứng run chân tay, mất thăng bằng cơ thể
Sau đột quỵ não, rất nhiều người bệnh gặp phải tình trạng run tay chân
Trong một số trường hợp khác như vữa xơ động mạch, tăng huyết áp kéo dài cũng làm cho các mạch máu bị xơ vữa, xơ cứng. Việc trao đổi tuần hoàn giữa các tế bào não với hệ thống mao mạch giảm đi, não không đủ lượng máu và các chất dinh dưỡng: glucose, các chất vi khoáng… dẫn đến rối loạn các hoạt động chức năng. Đây cũng là một trong các nguyên nhân dẫn đến biểu hiện run.
Rất nhiều người trẻ gặp phải tình trạng run tay chân, nói run run, hồi hộp, đánh trống ngực khi đứng đám đông. Tại sao lại có hiện tượng này, liệu đây có phải là triệu chứng của một bệnh nào đó không, thưa giáo sư?
Ở những người trẻ có rất nhiều những yếu tố tác động, thói quen uống cà phê, trà đặc, sử dụng các chất kích thích.... Hay áp lực từ cuộc sống, căng thẳng kéo dài khiến hệ thần kinh không được nghỉ ngơi, phục hồi. Đây là nguyên nhân dẫn đến biểu hiện hồi hộp, đánh trống ngực, run tay chân trước đám đông... Tình trạng này không hẳn là một bệnh lý, đó là một trạng thái xúc cảm, trạng thái điều khiển thần kinh không vững mà nguyên nhân sâu xa chính là do lối sống ít rèn luyện, ít tiếp xúc với những hoạt động cộng đồng.
Rất cảm ơn GS. TS Nguyễn Văn Thông đã nhận lời tham gia phỏng vấn và giải đáp cho người bệnh run tay chân rất nhiều kiến thức bổ ích về nguyên nhân gây ra căn bệnh này.
Hy vọng bài phỏng vấn trên đây đã giúp bạn đọc hiểu rõ nguyên nhân và cơ chế dẫn đến tình trạng run, để từ đó có cách điều trị phù hợp với bệnh tình của mình.
Gửi bạn xem thêm phần 2 của buổi phỏng vấn với nội dung: