Run tay chân có thể xảy ra khi bạn đói, rét, mệt mỏi, hoặc khi hồi hộp, căng thẳng... Nếu hiện tượng run rẩy liên tục xuất hiện và nặng dần thì đó có thể là bệnh lý nguy hiểm. Sau đây là toàn bộ thông tin về bệnh run tay chân bạn cần nắm rõ.
Tìm hiểu nguyên nhân gây run tay chân và phương pháp điều trị
Bệnh run chân tay là gì, có nguy hiểm không?
Run tay chân (tremor) là tình trạng co cơ không tự chủ dẫn đến chuyển động rung lắc ở chân tay. Đây là chứng rối loạn vận động phổ biến, có thể xảy ra vào nhiều thời điểm khác nhau trong ngày hoặc xuất hiện liên tục. Ngoài run ở tay, chân, người bệnh còn có thể bị run ở các bộ phận khác như đầu, môi, lưỡi, dây thanh quản...
Run tay chân thường gặp nhất ở độ tuổi trung niên hoặc người cao tuổi. Tuy nhiên ngày càng có nhiều người trẻ tuổi, thanh niên, thậm chí cả trẻ em bị run tay chân.
Bệnh run tay chân tuy không nguy hiểm hay đe dọa tính mạng nhưng sẽ khiến người bệnh gặp nhiều khó khăn trong cử động, đi lại và sinh hoạt. Thậm chí, một số trường hợp nặng còn không thể tự vệ sinh cá nhân hay ăn uống mà phải phụ thuộc hoàn toàn vào người khác.
Phân loại triệu chứng run tay chân
Run tay chân được chia làm 3 loại chính là run tĩnh trạng (rest tremor), run động trạng (action tremor) và run cơ năng (functional tremor). Đặc điểm cụ thể của các loại run này như sau:
Đi tìm nguyên nhân gây run chân tay
Nguyên nhân run tay chân rất đa dạng, có thể do bị sang chấn tinh thần, mệt mỏi, căng thẳng, stress… hoặc một số bệnh lý như Parkinson, rối loạn thần kinh thực vật, run vô căn… Tùy theo loại run tay chân, nguyên nhân gây bệnh cũng có sự khác biệt.
Nguyên nhân gây run tay chân khi nghỉ
Bệnh Parkinson là nguyên nhân đầu tiên cần nghĩ đến nếu bạn bị run khi nghỉ ngơi (run tĩnh trạng).
Đặc trưng của bệnh run tay chân Parkinson là run lắc vẫy nhẹ tựa như đang vê viên thuốc hay đang rắc hạt tiêu. Bệnh thường khởi phát ở một bên cơ thể, bắt đầu từ tay sau đó run xuống chân cùng bên và sang nửa thân người phía đối diện. Triệu chứng đi kèm là co cứng cơ và đi lại chậm chạp.
Run rẩy tay chân là một trong những triệu chứng điển hình của bệnh Parkinson
Các nguyên nhân khác gây run tĩnh trạng bao gồm:
- Tổn thương một phần thân não
- Rối loạn trương lực cơ - một rối loạn thần kinh gây ra các cử động vặn mình và tư thế bất thường.
- Bệnh Wilson, một bệnh di truyền hiếm gặp
Nguyên nhân gây run động trạng
Run động trạng có thể xuất phát từ các nguyên nhân sinh lý hoặc bệnh lý như run vô căn, rối loạn thần kinh thực vật.
Run sinh lý
Là triệu chứng run chân run tay xảy ra ở những người khỏe mạnh. Run sinh lý xảy ra khi thực hiện các công việc đòi hỏi độ chính xác cao (chẳng hạn như xâu kim) hoặc khi lo lắng, căng thẳng, mệt mỏi, khi đói, khi rét…
Run tay chân sinh lý không đáng lo ngại vì biểu hiện rất nhẹ và thường tự hết sau một thời gian ngắn. Tuy nhiên, một số yếu tố có thể khiến run sinh lý trở nên nghiêm trọng hơn như là:
- Một số loại thuốc, chẳng hạn thuốc điều trị bệnh hen suyễn hoặc các vấn đề về hô hấp khác, steroid (glucocorticoid) và một số loại thuốc điều trị rối loạn thần kinh hoặc tâm thần...
- Chất kích thích, chẳng hạn như caffeine và nicotine.
- Lo lắng, phấn khích, sợ hãi và những cảm xúc cực đoan khác.
- Mỏi cơ, có thể xảy ra sau một buổi tập thể hình nặng.
- Hội chứng sau cai rượu hoặc ma tuý
- Bệnh cường giáp
- Sốt
Uống cà phê bị run tay thì đó có thể là run sinh lý
Run vô căn
Đây là bệnh run tay chân rối loạn vận động không tìm ra được nguyên nhân, hơn 50% người bị run vô căn là do di truyền.
Bệnh run vô căn có thể khởi phát bất cứ thời điểm nào trong đời, sớm nhất là thời thơ ấu. Giai đoạn đầu, triệu chứng run thường biểu hiện rõ và nặng hơn ở một bên tay so với bên còn lại. Run tay vô căn chủ yếu xuất hiện khi cầm nắm đồ vật hoặc khi thực hiện các công việc tỉ mỉ như viết chữ, sơn móng tay hay cầm kéo cắt tóc. Những người bị run vô căn cũng có thể nhận thấy run ở đầu theo kiểu gật gật/lắc lắc, run giọng nói, rung chân hoặc thân trên. Triệu chứng thường nặng dần hơn khi đến tuổi dậy thì.
Run vô căn được gọi là chứng run “lành tính” vì nó không đe dọa đến tính mạng. Tuy nhiên, trong trường hợp nặng, căn bệnh này lại ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng thực hiện các công việc hàng ngày.
Rối loạn thần kinh thực vật
Chủ yếu gặp ở những người trẻ sau biến cố lớn về thể chất và tinh thần, phụ nữ sau khi sinh hoặc trong giai đoạn tiền mãn kinh.... Run do rối loạn thần kinh thực vật thường kèm theo biểu hiện tim đập nhanh, đánh trống ngực, hồi hộp, vã mồ hôi, tâm trạng bồn chồn, lo lắng không yên.
Các nguyên nhân khác gây run tay chân khi vận động bao gồm:
- Run tiểu não: Gây ra bởi tổn thương ở tiểu não hoặc các đường dẫn truyền thần kinh kết nối với tiểu não. Bệnh nhân đa xơ cứng, chấn thương thân não và đột quỵ cũng có thể bị run tiểu não.
- Run khi viết: Chỉ xảy ra trong khi viết và không xảy ra trong các cử động tự nguyện khác.
- Run thế đứng: Giới hạn ở chân và chỉ xảy ra khi đứng.
- Các rối loạn ảnh hưởng đến các dây thần kinh bên ngoài não kiểm soát chuyển động của cơ.
Có rất nhiều nguyên nhân gây run động trạng
Nguyên nhân gây run cơ năng
Run chân tay cơ năng thường được cho là biểu hiện của căng thẳng. Loại run này thường giảm nếu bạn bị phân tâm, chẳng hạn như gõ vào các ngón tay của bàn tay đối diện. Điều này khác với các dạng run khác (có xu hướng nặng hơn khi mất tập trung).
Bệnh run tay chân được chẩn đoán thế nào?
Việc chẩn đoán bệnh run tay chân chủ yếu dựa vào quan sát triệu chứng và khai thác tiền sử. Để xác định bạn mắc phải loại run nào và nguyên nhân gây bệnh, bác sĩ sẽ đặt một số câu hỏi như sau:
- Triệu chứng run xuất hiện vào những thời điểm nào trong ngày? chẳng hạn khi nghỉ ngơi, khi đứng yên, khi dang rộng cánh tay hay khi đang di chuyển.
- Triệu chứng run giảm khi nào (khi phân tán, khi làm việc,..)
- Những bộ phận cơ thể nào bị ảnh hưởng? Bị một bên hay cả hai bên cơ thể.
- Triệu chứng run bắt đầu xảy ra từ khi nào? Thời gian đó bạn có bị chấn thương não, sử dụng loại thuốc mới hay mắc bệnh nào khác không?
- Uống rượu có ảnh hưởng đến mức độ run không? (Một số dạng run, đặc biệt là run vô căn có thể cải thiện tạm thời sau khi uống rượu).
Trong quá trình khám, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn thực hiện một số thao tác để đánh giá tình trạng run, chẳng hạn như: Viết chữ, giơ tay trước mặt, chạm 1 ngón tay vào mũi...
Bên cạnh đó, bạn có thể cần làm thêm một số xét nghiệm, chụp chiếu nếu nghi ngờ nguyên nhân không phải do bệnh Parkinson hay run vô căn, chẳng hạn như:
- Xét nghiệm máu để đo nồng độ hormone tuyến giáp, nồng độ đồng hoặc các kim loại khác trong máu
- Quét não để loại trừ khối u, đột quỵ hoặc các loại tổn thương não khác
Khi bị run tay, bạn nên đi khám chuyên khoa để tìm nguyên nhân
Cách điều trị run tay chân
Phần lớn bệnh gây run tay chân đều chưa có cách chữa khỏi hoàn toàn, ngoại trừ run do các bệnh tiềm ẩn như cường giáp hoặc do tác dụng phụ của thuốc tây. Mục tiêu của việc điều trị là để làm giảm triệu chứng run, giúp bạn sinh hoạt và làm việc dễ dàng hơn.
Dựa vào từng nguyên nhân gây run cụ thể, bác sĩ sẽ tư vấn cho bạn các phương pháp điều trị sao cho tối ưu nhất. Sau đây là các lựa chọn điều trị run tay chân hiện đang được áp dụng:
Dùng thuốc tây y
- Thuốc chẹn beta như propranolol thường được sử dụng để điều trị chứng run vô căn và một số trường hợp run động khác. Các thuốc chẹn beta khác có thể được chỉ định bao gồm atenolol, metoprolol, nadolol và sotalol.
- Thuốc chống co giật (primidone, gabapentin và topiramate) có hiệu quả trong trường hợp run động không đáp ứng với thuốc chẹn beta. Một số thuốc chống co giật cũng có tác dụng phụ là gây run nên cần thận trọng khi sử dụng.
- Thuốc an thần benzodiazepine (alprazolam, clonazepam) có thể tạm thời làm giảm triệu chứng run do căng thẳng, lo âu. Các thuốc này không được ưu tiên sử dụng do các tác dụng phụ như buồn ngủ, kém tập trung. Khi dùng thường xuyên, thuốc an thần có thể gây lệ thuộc và gây triệu chứng cai nghiện khi ngưng sử dụng đột ngột.
- Thuốc điều trị bệnh Parkinson (levodopa, carbidopa) được sử dụng để điều trị chứng run tay chân liên quan đến bệnh Parkinson.
- Tiêm độc tố botulinum có hiệu quả với hầu hết tất cả các dạng run, đặc biệt hữu ích cho chứng run đầu. Tiêm botulinum cải thiện tình trạng run trong khoảng ba tháng (sau đó tiêm nhắc lại), nhưng có thể gây ra yếu cơ, khàn tiếng và khó nuốt khi được sử dụng để điều trị chứng run giọng nói.
Bệnh run tay run chân đôi khi cần được điều trị bằng thuốc tây y
Thông tin cho bạn: Hiểu sâu về các nhóm thuốc điều trị run tay chân
Dùng thảo dược Đông y
Trong Đông y có hai vị thảo dược được ca tụng về tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh run tay chân là Thiên ma và Câu đằng. Kết hợp các thảo dược này với thuốc Tây y sẽ giúp làm tăng hiệu điều trị run tay và mang lại các lợi ích như:
- Giúp an thần, trấn tĩnh, giảm căng thẳng, lo âu.
- Giúp tăng cường các yếu tố nuôi dưỡng (tương tự như tiền chất dinh dưỡng thần kinh), giảm độc tố gây hại thần kinh não bộ.
Các bằng chứng nghiên cứu cho thấy sự phối hợp của Thiên ma, Câu đằng trong các sản phẩm hỗ trợ giảm triệu chứng run, không chỉ giúp giảm và cải thiện chứng run tay mà còn có hiệu quả tốt với cả các chứng bệnh run khác như: run chân, run đầu cổ, nói run run, đi lại run rẩy và phục hồi khả năng vận động của cơ thể.
Thiên ma và Câu đằng - bộ đôi thảo dược hỗ trợ giảm run tay hiệu quả
Phẫu thuật
Khi người bệnh run tay chân không đáp ứng với thuốc điều trị, hoặc thuốc kém hiệu quả dần theo thời gian, họ có thể cần đến các phẫu thuật như:
Kích thích não sâu
Đây là phương pháp phẫu thuật điều trị run phổ biến và được ưa chuộng nhất vì có hiệu quả cao, ít rủi ro và có hiệu quả với nhiều nguyên nhân gây run khác nhau (Parkinson, run vô căn, rối loạn trương lực cơ).
Phương pháp này giúp giảm run bằng cách cấy một thiết bị tạo xung nhỏ ở dưới da, kết nối với đồi thị não thông qua các điện cực. Thiết bị sẽ gửi các tín hiệu đến não để tạm thời vô hiệu hóa các cơn run. Tuy nhiên, phẫu thuật kích thích não sâu có chi phí cao (khoảng 600 - 800 triệu) và có thể gây ra một số tác dụng phụ như rối loạn nhịp tim và giảm thăng bằng.
Cắt đồi thị
Phương pháp này sử dụng bức xạ để phá hủy một vùng trong đồi thị có liên quan đến triệu chứng run tay chân. Hiện nay, phẫu thuật cắt đồi thị ít được sử dụng do có nhiều tác dụng phụ không mong muốn.
Siêu âm tập trung
Siêu âm tập trung có cơ chế tác động tương tự như phẫu thuật cắt đồi thị, nhưng sử dụng sóng âm thanh (thay vì bức xạ) để phá hủy mô não. Cụ thể, nhiều chùm sóng siêu âm sẽ được tạo ra và tập trung vào một điểm sâu trong não. Điểm giao nhau của các sóng âm này tạo ra nhiệt và đốt mô não. Bạn có thể hình dung nó tương tự như cách kính lúp tập trung các chùm ánh sáng mặt trời để đốt một lỗ trên lá.
Một nghiên cứu theo dõi 3 năm sau điều trị run vô căn bằng công nghệ siêu âm tập trung cho thấy: Tình trạng run tay của người bệnh cải thiện 76.5% so với ban đầu; 53% người bệnh duy trì được sự cải thiện triệu chứng run cũng như chức năng vận động sau ba năm.
Điều trị run vô căn bằng siêu âm tập trung cho hiệu quả cao
Thay đổi lối sống
Để làm tăng hiệu quả điều trị và phòng ngừa run chân tay tái phát, bạn nên tích cực thay đổi lối sống bằng các cách dưới đây:
Ăn uống khoa học để khỏe mạnh hơn
Người bị run tay chân nên ăn nhiều rau xanh, hoa quả, ngũ cốc nguyên hạt, óc chó, hạnh nhân, các loại đậu và ăn cá ít nhất 3 lần mỗi tuần. Đây là những thực phẩm chứa nhiều vitamin, khoáng chất, giàu omega 3 giúp não bộ làm việc hiệu quả hơn, từ đó nâng cao hiệu quả điều trị run tay chân.
Bên cạnh đó, bạn cũng cần tránh uống cà phê, rượu hoặc các đồ uống có cồn khác để hạn chế tình trạng kích thích hệ thần kinh gây run nhiều hơn.
Thông tin cho bạn: Bị run tay nên ăn gì? Những thực phẩm người bị run tay nên ăn hàng ngày
Thư giãn tinh thần
Hãy học cách giảm tải công việc và dành nhiều thời gian cho sở thích của bản thân như nấu ăn, nghe nhạc, đọc sách, xem phim và tập yoga mỗi ngày. Cố gắng ngủ đủ giấc, hạn chế thức khuya và một “mẹo” nhỏ là hãy hít một hơi thật sâu rồi thở ra từ từ, uống một ngụm nước lạnh (nếu có), bạn sẽ thấy bớt lo âu ngay tức thì.
Tập luyện mỗi ngày
Đi bộ, chạy bộ, bơi lội, tập dưỡng sinh... 30 phút mỗi ngày sẽ làm tăng sức dẻo, sức bền của cơ bắp, tăng cường lưu thông máu, từ đó giúp bạn giảm run tay chân.
Hy vọng với những thông tin mà bài viết đã chia sẻ, bạn sẽ hiểu rõ hơn về các nguyên nhân gây bệnh run tay chân, đồng thời biết mình cần làm gì để cải thiện tình trạng run rẩy, lấy lại tự tin trong cuộc sống.
Tham khảo: ninds.nih.gov, uspharmacist.com, medicalnewstoday.com, aafp.org, ssentialtremor.org, uptodate.com